Đàn tranh là một loại nhạc cụ được du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Trần và đã trở thành một trong những nhạc cụ dân tộc đặc biệt. Mặc dù không phổ biến như nhiều nhạc cụ hiện nay nhưng đàn tranh cũng được rất nhiều các bạn trẻ tìm hiểu và yêu thích. Một trong những câu hỏi được tìm kiếm khá nhiều đó chính là đàn tranh có bao nhiêu dây?
Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm nhiều thông tin thú vị về đàn tranh nhé!
I. Nguồn gốc của đàn tranh
Đàn tranh còn có tên gọi khác là đàn thập lục, loại nhạc cụ này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vào thời Chiến Quốc thế kỷ thứ 5 trước công nguyên đến thể kỷ thứ 3 trước công nguyên, đàn thập lục được sử dụng phổ biến rộng rãi ở nước Tần (nay là Thiểm Tây), tại thời điểm đó còn được gọi là Tần Trịnh.
Thời gian cụ thể đàn tranh du nhập vào Việt Nam rất khó đoán định và tại một số ghi chép thì loại đàn này được du nhập vào thời nhà Trần. Đàn Tranh đầu tiên xuất hiện tại nước Việt chỉ có 16 dây nên vì thế mà nó còn có tên gọi khác là đàn thập lục cương huyền tranh. Về sau này, đàn tranh được phát triển thêm nhiều loại hơn.
II. Đàn tranh có bao nhiêu dây?
Để trả lời câu hỏi đàn tranh có bao nhiêu dây thì chắc rằng chúng ta sẽ phải đi tìm hiểu đến các loại đàn tranh phổ biên hiện nay, bởi các loại đàn sẽ tương ứng với số dây của đàn.
1. Đàn tranh Việt Nam
Đàn tranh ở Việt Nam từ khi được du nhập đã có rất nhiều cải tiến về thiết kế đàn cũng như số dây của đàn, một số loại phổ biến nhất hiện nay đó chính là:
- Đàn tranh loại 16 dây
- Đàn tranh loại 17 dây
- Đàn tranh loại 19 dây
- Đàn tranh loại 21 dây
- Đàn tranh loại 22 dây
Đối với đàn tranh loại 16 dây của Việt Nam thường sẽ có thiết kế chiều dài khoảng 110 tới 120cm.
2. Đàn tranh Trung Quốc
Tại quê hương của đàn tranh thì theo thông tin mà otc-restaurants.com tìm hiểu được thì Trung Quốc sẽ có 3 loại đàn tranh phổ biến là:
- Đàn tranh loại 21 dây
- Đàn tranh loại 23 dây
- Đàn tranh loại 25 dây
Đàn tranh của Trung Quốc có kích thước khá lớn, chiều dài rơi vào khoảng 163cm.
III. Thông tin về cấu tạo và âm sắc của đàn tranh
Đàn tranh thường được sử dụng để đệm hát, độc tấu hay hòa tấu, đặc biệt đây là loại đàn thường rất hay có mặt trong những giàn nhạc tài tử Việt Nam hay các giàn nhạc dân tộc tổng hợp quốc tế.
1. Cấu tạo
Hầu hết các loại đàn tranh hiện nay đều có chung cấu tạo như sau:
- Đầu của đàn tranh có dạng hình hộp dài.
- Khung đàn hình chữ nhật có chiều dài từ 110 đến 120cm.
- Đầu lớn của đàn có chiều rộng từ 25 – 30cm, có lỗ và con chắn để mắc dây đàn.
- Đầu nhỏ đàn tranh có chiều rộng từ 15 – 20cm, được gắn từ 16 – 25 khóa lên dây chéo qua mặt đàn.
- Mặt đàn uốn cong vòm, thường sẽ được làm bằng gỗ ngô đồng dài 0,05cm.
- Đáy đàn tức mặt phẳng dưới của đàn thường sẽ được khoét 3 lỗ, trong đó một lỗ ở đầu to của đàn để thoát âm và mắc dây đàn.
- Ngựa đàn hay còn biết đến với cái tên con nhạn nằm ở khoảng giữa dùng để gác dây. Con nhạn có thể di chuyển để điều chỉnh âm thanh.
- Dây đàn trước khi sử dụng dây tơ, ngày nay được làm bằng kim loại, kích cỡ dây khác nhau.
- Khi biểu diễn, nghệ nhân đeo 3 móng gẩy vào 3 ngón cái, trỏ, giữa của tay phải để gẩy. Móng gẩy làm bằng chất liệu như kim loại, đồi mồi hoặc sừng.
2. Âm sắc
Đàn tranh mang âm sắc trong trẻo, tươi sáng, những âm thanh mà đàn tranh thể hiện có thể khắc họa rất tốt cả những điệu nhạc vui tươi lẫn những điệu nhã mang nét hùng tráng hay u buồn. Sở dĩ đàn tranh không thích hợp để thể hiện các giai điệu khỏe mạnh, trầm hùng là bởi vì thiết kế dây đàn được cấu tạo từ kim loại mỏng, tơ tằm, nylon hoặc polyeste,… tạo ra âm sắc có phần mảnh, nhẹ.
Đàn tranh có tầm âm rộng 3 quãng 8 tức từ Sol 1 lên Sol 3 hoặc từ Đô 1 lên Đô 3, và người chơi cũng cần phải biết cách lên dây để đàn có được những quãng này.
IV. Cách sử dụng và bảo quản đàn tranh
1. Cách chơi đàn tranh
Đàn tranh thường sẽ được chơi bằng cách dùng ngón tay để gẩy, theo cách chơi truyền thống thì người chơi sẽ dùng 2 ngón còn với cách chơi hiện nay thì khá nhiều người dùng 3, 4 và thậm chí là 5 ngón.
Cách dùng 3 ngón gẩy để chơi đàn tranh khá dễ chơi và phổ biến nhất, với cách này sẽ bao gồm ngón cái (ngón 1), trỏ (ngón 2) và giữa (ngón 3). Cách cách gẩy đàn tranh cơ bản gồm: Liền bậc, cách bậc, gẩy đi xuống và đi lên liền bậc hoặc cách bậc. Thông thường người chơi đàn tranh sẽ dùng móng gẩy để gẩy nhưng riêng đàn sắt thì không dùng mà gẩy bằng đầu bụng ngón tay.
Một ca khúc độc tấu đàn tranh của Trung Quốc được nhiều người ưa thích:
2. Các bảo quản đàn tranh tốt nhất
Đàn tranh thường có giá trị không hề rẻ, hơn nữa với thời tiết thường hay ẩm ướt của nước ta thì người dùng cần phải nắm được cách bảo quản đàn sao cho đúng. Hầu hết các loại đàn tranh hiện nay đều sử dụng dây thép nên sử dụng một thời gian dài rất dễ bị rỉ sét nên để bảo quản đàn lâu nhất bạn cần làm như sau:
- Đặt đàn tại nơi khô ráo và tránh ánh nắng trực tiếp.
- Làm sạch đàn bằng giấy mềm hoặc loại khăn mềm dùng để lau kính.
- Lau đàn nhẹ nhàng theo chiều dọc và cố gắng lau hết các ngách và từng dây đàn.
- Sau khi sử dụng nên dùng khăn mềm to để phủ lại trên đàn tránh bị bụi hay hắt nước ướt.
Hi vọng với bài viết trên bạn đã biết được nhiều kiến thức về đàn tranh và trong đó biết được đàn tranh có bao nhiêu dây. Nếu bạn còn câu hỏi nào khác thì hãy để lại bình luận phía bên dưới để được giải đáp nhé!